Tin tức y tế

Giãn dây chằng đầu gối: Nguyên nhân, pháp đồ điều trị và phục hồi

23/11/2023

Giãn dây chằng đầu gối khiến không ít người gặp khó khăn trong vấn đề vận động, thậm chí có thể gây ra cảm giác đau nhức, khó chịu. Để mau chóng phục hồi chức năng thì người bệnh cần phải điều trị và tuân thủ các nguyên tắc nhất định. Cùng Hoàn Mỹ tìm hiểu về nguyên nhân gây giãn dây chằng đầu gối, pháp đồ điều trị và phục hồi hiệu quả qua bài viết sau.

>>> Xem thêm: 

Nguyên nhân gây giãn dây chằng đầu gối?

Hệ thống dây chằng đầu gối có vai trò quan trọng trong việc giữ cho xương chày không bị trượt ra phía trước hoặc phía sau so với xương đùi khi vận động khớp gối. Hệ thống này bao gồm dây chằng chéo trước, chéo sau và hai bên. 

Giãn dây chằng đầu gối thường chủ yếu là do chấn thương khi tập luyện thể thao, tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt,…gây va đập trực tiếp vào đầu gối hoặc chấn thương xoắn do dùng 1 chân để trụ và chống đỡ quá sức.

Giãn dây chằng thường có những biểu hiện cơ bản như sau:

  • Đau sưng khớp gối và khi cử động có thể nghe thấy âm thanh khác thường ở bên trong.
  • Lỏng gối, mất vững khớp gối, khiến người bệnh đi lại khó khăn, dễ vấp ngã.
  • Chấn thương giãn dây chằng đầu gối lâu ngày không chữa trị sẽ làm đùi bị teo cơ và chân bị yếu, khó di chuyển hơn so với chân còn lại.
Nguyên nhân gây giãn dây chằng đầu gối
Giãn dây chằng đầu gối thường chủ yếu là do chấn thương khi tập luyện thể thao, vận động (Nguồn: Internet)

Điều trị giãn dây chằng đầu gối

Có rất nhiều mẹo chữa chấn thương dây chằng đầu gối tại nhà, người bệnh có thể áp dụng các cách dưới đây để kiểm soát tình trạng đau nhức hiệu quả:

Chườm lạnh

Người bệnh hãy thực hiện chườm lạnh ngay sau khi có biểu hiện sưng, đau khớp gối. Nhiệt độ thấp sẽ có tác dụng làm tê liệt tạm thời và ức chế khả năng truyền tín hiệu cảm giác đến các dây thần kinh. Để giảm sưng đau hiệu quả thì nên thực hiện chườm lạnh khoảng 20 phút/ lần và kéo dài liên tục từ 3 đến 4 giờ. Sau khi tình trạng sưng đau mất hẳn, người bệnh nên áp dụng thêm chườm nóng để thư giãn gân cơ, tăng cường lưu thông máu và thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương. Có thể dùng chai nước ấm hoặc khăn ấm để chườm chừng 20 phút/ lần và từ 3 – 4 lần/ ngày.

>>> Xem thêm: Đau lưng dưới là dấu hiệu bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Chườm lạnh
Chườm lạnh sẽ giúp giảm sưng đau, bầm tím khi gặp chấn thương khớp gối (Nguồn: Internet)

Nâng cao đầu gối đi nằm 

Người bệnh nên đặt vùng bị thương ở vị trí cao hơn tim để hạn chế tích tụ máu và tránh nguy cơ sưng phù, bầm tím. Cụ thể, nên dùng nệm hoặc gối để kê cao chân ở tư thế nằm trong vòng 48 giờ đầu sau khi bị chấn thương dây chằng.

Nghỉ ngơi

Khi bị giãn dây chằng, cần hạn chế vận động, tạm ngừng các hoạt động thể thao và tránh đi lại nhiều để giảm chảy máu cũng như phù nề ở vết thương.

Dùng nẹp đầu gối

Khi đang bị giãn dây chằng đầu gối, chỗ tổn thương dễ bị tác động bởi yếu tố ngoại lực. Chính vì vậy, các bác sĩ xương khớp luôn khuyên bệnh nhân nên sử dụng nẹp cố định đầu gối. 

Phương pháp nẹp sẽ giúp người bệnh cố định lại vùng dây chằng bị giãn căng quá mức. Điều này cũng phần nào hạn chế được tác động ngoại lực lên vùng dây chằng bị thương tổn trong quá trình di chuyển. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn thì chúng ta vẫn nên hạn chế vận động.

Dùng nẹp đầu gối
Dùng nẹp đầu gối sẽ bảo vệ chân đang bị thương khỏi tác động của yếu tố ngoại lực bên ngoài (Nguồn: Internet)

Uống thuốc chống viêm, giảm đau

Thuốc tây có tác dụng giảm đau nhanh nên được bệnh nhân giãn dây chằng cân nhắc đến đầu tiên khi chữa trị. Cụ thể, các loại thuốc giảm đau,  chống viêm hiệu quả thường được bác sĩ chỉ định bao gồm Aspirin, Paracetamol, Ibuprofen,…Tuy nhiên, uống thuốc tây cũng có thể gây ra tác dụng phụ như nôn ói, kích ứng dạ dày,…Vì vậy, phương pháp chữa giãn dây chằng đầu gối này chỉ nên được áp dụng khi có chỉ định của bác sĩ.

Khi đã áp dụng các biện pháp chữa giãn dây chằng trên nhưng người bệnh vẫn có những biểu hiện như cường độ đau tăng dần, có dấu hiệu ớn lạnh hay phát sốt,…thì cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra chi tiết và điều trị phục hồi.

Cách phục hồi cho bệnh nhân  

Trong thời gian bị giãn dây chằng đầu gối, người bệnh có thể áp dụng các bài tập hỗ trợ dưới đây để thúc đẩy quá trình hồi phục tốt hơn.

Tập cơ tứ đầu

  • Duỗi thẳng 2 chân, kê phía dưới gót bằng một chiếc chăn hoặc nệm mỏng.
  • Gồng căng cơ tứ đầu gối để giữ vững gối rồi từ từ nhấc toàn bộ phần chân lên khỏi mặt sàn khoảng 20 đến 30cm.
  • Thực hiện bài tập này từ 6 – 8 lần mỗi ngày cho tới khi duỗi chân thẳng được.

>>> Xem thêm: Thoái hóa cột sống: Nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị

Tập cơ tứ đầu
Tập cơ tứ đầu (Nguồn: Internet)

Duỗi gối thụ động 

  • Kê gót chân bên bị giãn dây chằng lên một chiếc gối mỏng hoặc chiếc khăn cuộn tròn.
  • Dùng tay ấn nhẹ xuống mặt sàn để giữ phần gối duỗi thẳng trong khoảng 5 – 6 giây.
  • Thả lỏng cơ thể khoảng 10 giây và tiếp tục bài tập như ban đầu.
Duỗi gối thụ động
Duỗi gối thụ động (Nguồn: Internet)

Tập cử động cổ chân, khớp háng

  • Nằm thẳng trên sàn nhà, đặt phần chân duỗi thẳng vào tường sao cho tạo thành 1 góc 90°.
  • Sau đó, nhẹ nhàng co bàn chân bên bị giãn dây chằng cho đến khi cảm thấy khớp gối căng thì dừng lại.
  • Giữ nguyên tư thế này trong khoảng 30 giây rồi từ từ thu chân về vị trí ban đầu.
  • Lặp lại động tác này khoảng 2 đến 4 lần.

>>> Xem thêm: Bệnh loãng xương: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Tập cử động cổ chân, khớp háng
Tập cử động cổ chân, khớp háng (Nguồn: Internet)

Vận động cơ sau đùi  

  • Bắt đầu bài tập với tư thế nằm ngửa, duỗi thẳng chân bị chấn thương trong khi chân còn lại co lên.
  • Từ từ gồng phần cơ mặt phía sau đùi ở bên chân bị giãn dây chằng đầu gối, đồng thời ấn gót chân xuống mặt sàn.
  • Giữ nguyên tư thế này khoảng 6 giây sau đó thả lỏng và tiếp tục thực hiện khoảng 8 – 12 lần.
Vận động cơ đùi sau
Vận động cơ đùi sau (Nguồn: Internet)

Chú ý bài tập vận động có đùi sau chỉ nên thực hiện vào giai đoạn II, sau hết tuần thứ nhất tính từ lúc bị giãn dây chằng. Còn với những bệnh nhân bị đứt dây chằng thì bài tập này nên thực hiện vào giai đoạn IV, sau 04 tuần điều trị. 

Thông thường, vùng khớp gối bị thương tổn sẽ có hiện tượng sưng đau sau khi bị giãn dây chằng. Do đó, trong tuần đầu, người bệnh nên ưu tiên nghỉ ngơi, gác cao chân, chườm lạnh để giảm sưng đau rồi mới thực hiện các bài tập trong các tuần kế tiếp. Đừng quên sử dụng thêm băng thun cố định khớp gối từ 04 – 06 tuần sau chấn thương trước mỗi lần đi lại và tập luyện.

Bị giãn dây chằng đầu gối kiêng gì?  

Khi bị giãn dây chằng đầu gối người bệnh nên kiêng một số thực phẩm sau:

  • Thực phẩm chế biến sẵn: Như xúc xích, mì ăn liền, thực phẩm đóng hộp,… đều không tốt cho sức khỏe vì các thực phẩm này chứa nhiều dầu mỡ, chất bảo quản và phụ gia,… Do đó, tất cả đều có khả năng gây độc cho cơ thể của người bệnh và khiến vết thương lâu lành.
  • Thực phẩm đông lạnh: Như cá, tôm, nấm, thịt… không những làm mất dưỡng chất mà còn ít có lợi cho quá trình phục hồi của người bệnh. Vì thế, chúng ta nên hạn chế sử dụng các loại thực phẩm đông lạnh trong quá trình điều trị giãn dây chằng đầu gối.
  • Thực phẩm chứa chất kích thích: Người bị giãn dây chằng nên đặc biệt tránh xa những thực phẩm chứa chất kích thích như cà phê, thuốc lá, rượu bia,… Bởi tất cả đều gây tác động tiêu cực đến sức khỏe, làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, đau tim, đột quỵ,… Từ đó cũng gây ảnh hưởng xấu đến quá trình phục hồi của dây chằng khớp gối.

Bị giãn dây chằng đầu gối nên ăn gì?  

Để quá trình phục hồi dây chằng đầu gối tiến triển nhanh hơn thì chúng ta nên bổ sung các loại thực phẩm dưới đây:

  • Thực phẩm giàu đạm: Giúp người bị giãn dây chằng bổ sung các chất dinh dưỡng hỗ trợ tái tạo tế bào mới. Ngoài ra, thực phẩm chứa hàm lượng protein dồi dào còn tăng cường trao đổi chất và hỗ trợ cân bằng axit – kiềm trong cơ thể. 
  • Thực phẩm chống oxy hóa: Bổ sung chất chống oxy hóa sẽ giúp người bệnh kiểm soát tốt các mô bị tổn thương và nhanh chóng cải thiện tình trạng giãn dây chằng. Vì vậy, nên bổ sung các loại thực phẩm như cam, chanh, ngũ cốc,… vào thực đơn mỗi ngày sau khi bị chấn thương.
  • Thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất: Vitamin là thành phần quan trọng giúp cung cấp dưỡng chất và hỗ trợ phục hồi thương tổn nhanh chóng. Vì thế, người bị giãn dây chằng đầu gối nên ăn nhiều trái cây, rau xanh để bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất cho cơ thể.
  • Thực phẩm giàu Omega-3: Các thực phẩm giàu axit béo omega-3 sẽ giúp tăng cường quá trình tái tạo collagen sau chấn thương. Nhờ đó mà ngăn chặn tình trạng viêm sừng và cải thiện hiệu quả hồi phục giãn dây chằng đầu gối. Những loại thực phẩm chứa lượng axit béo omega-3 dồi dào có thể kế đến như cá hồi, cá mòi, cá thu,…

>>> Xem thêm: Đau lưng bên trái là bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và chữa trị

Bị giãn dây chằng đầu gối nên ăn gì?
Nên có một chế độ ăn giàu vitamin, khoáng chất, đạm và chất oxy hóa để hỗ trợ quá trình hồi phục sau chấn thương (Nguồn: Internet)

Biện pháp phòng ngừa giãn dây chằng đầu gối

Tổn thương do giãn dây chằng đầu gối sẽ cần khá nhiều thời gian để phục hồi, nhất là với những người lớn tuổi. Ngoài ra, bệnh lý này còn gây ảnh hưởng đến khả năng vận động, làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp hay dễ dẫn tới đứt dây chằng nếu điều trị chậm trễ hoặc sai cách. Do đó, tốt nhất nên áp dụng những biện pháp phòng ngừa giãn dây chằng đầu gối cưới đây:

  • Tuân thủ chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng nếu thuộc nhóm đối tượng dễ chấn thương khớp gối hay có nguy cơ thoái hóa dây chằng. Khi gặp chấn thương, người bệnh nên ưu tiên bổ sung canxi, chất chống oxy hóa,… để giúp tăng cường quá trình phục hồi.
  • Khi chơi thể thao, lái xe, lên xuống cầu thang,… nên thận trọng trong việc quan sát và dùng lực để phòng ngừa tình trạng chấn thương vùng đầu gối.
  • Để giảm thiểu tình trạng tăng áp lực lên khớp gối hay dây chằng, nên hạn chế đi giày cao gót và kiểm soát tốt cân nặng.
  • Nếu thường xuyên chơi thể thao thì nhất định không nên bỏ qua bước khởi động. Bởi khởi động trước khi tập luyện sẽ giúp làm nóng cơ thể, kích thích lưu thông máu, giãn cơ, tăng tính linh hoạt của xương khớp và ngăn ngừa chấn thương hiệu quả.
  • Người ngoài trung niên cần hạn chế tập luyện các môn thể thao có cường độ cao, dễ chấn thương dây chằng như nhảy nhảy cao, đá banh, nâng tạ,… Đồng thời, thường xuyên duy trì vận động và chơi các môn thể thao với cường độ phù hợp như yoga, bơi lội, đi bộ, đạp xe,…
  • Không đột ngột thực hiện các động tác hoặc bài tập làm gia tăng áp lực lên khớp gối. Vì điều này sẽ làm tăng nguy cơ căng, giãn hoặc đứt dây chằng.

Hy vọng qua bài viết này đã giúp bạn hiểu được nguyên nhân gây giãn dây chằng đầu gối và cách điều trị thích hợp để tránh gây biến chứng nặng nề. Nếu phát hiện bệnh lý này, người bệnh có thể đến ngay cơ sở y tế gần nhất để thăm khám. Ngoài ra, bạn cũng có thể liên hệ HOTLINE hoặc bấm TẠI ĐÂY để đặt lịch hẹn kiểm tra và điều trị kịp thời tại hệ thống bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc. Đừng quên truy cập vào chuyên mục Tin tức y tế để liên tục cập nhật những thông tin hữu ích về các bệnh lý và cách chăm sóc sức khỏe mỗi ngày.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.